Để tiếp cận kịp thời và thực hiện có hiệu quả hình thức đánh giá học sinh tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 năm học 2020-2021, chiều ngày 6 tháng 11 năm 2020,  trường Tiểu học Dĩnh Kế đã tổ chức nghiên cứu, trao đổi nội dung Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện ttheo lộ trình từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1 và các năm học tiếp theo đối với lớp 2,3,4,5(có hiệu lực từ ngày 20/10/2020) tới toàn thể CBGV dạy lớp 1 năm học 2020-2021. 
 

Trước đó, trong Hội nghị Họp HĐSP tháng 9, BGH đã yêu cầu GV chủ động nghiên cứu và so sánh điểm khác biệt giữa Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT và  Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016; Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 đánh giá học sinh tiểu học hiện đang áp dụng đối với khối 2;3;4;5.
Trong buổi nghiên cứu, trao đổi nội dung Thông tư, đồng chí Phó Hiệu trưởng Hà Thị Nhật đã tổ chức cho GV thảo luận, trình bày những hiểu biết về nội dung các Thông tư, đồng thời đưa ra những điểm mới của Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ GD&ĐT về ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện từ năm học 2020-2021.


Đ/c Hà Thị Nhật - Phó Hiệu trưởng triển khai nghiên cứu Thông tư.

Về cơ bản, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT có những nội dung kế thừa của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, song có một số thay đổi và điều chỉnh như sau:
- Mục đích đánh giá bổ sung  nội dung: Giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin chính xác, khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục (Điều 3). Nội dung và phương pháp đánh giá trong Thông tư mới cũng nêu rõ hơn Thông tư 22 về năng lực chung và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục; đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi (Điều 5).
- Mức độ ra đề kiểm tra: 03 mức độ.
 Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;
 Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;
  Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
- Về đánh giá thường xuyên, giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá như: thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời. Đặc biệt, vai trò của phụ huynh cũng được nêu rõ: Cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện. Đồng thời, CMHS trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.
- Đánh giá cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc - Hoàn thành tốt - Hoàn thành - Chưa hoàn thành (Điều 9 – Mục 2). Tại Điều 13. Khen thưởng, Mục a: Nội dung khen thưởng cuối năm cũng có sự thay đổi gồm: Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc, danh hiệu Học sinh Tiêu biểu và Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.


Đ/c Hoàng Thị An – Tổ trưởng tổ 1 phát biểu

Đ/c Trần Thị Hòa – GV âm nhạc chia sẻ ý kiến.

Phát biểu chỉ đạo trong buổi tập huấn, đồng chí Phó Hiệu trưởng Hà Thị Nhật cũng nhấn mạnh: Các thầy cô giáo cần nghiên cứu kĩ để hiểu rõ và nắm chắc phương pháp đánh giá. Cần quan tâm đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
 Cùng với các hoạt động song song trong năm học như bồi dưỡng đội ngũ GV dạy lớp 1 thực hiện CT GDPT 2018, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho GV trẻ, việc bồi dưỡng về phương  pháp đánh giá tiếp cận Chương trình GDPT 2018 luôn được BGH nhà trường quan tâm.
Năm học 2020 - 2021 đã diễn ra được hai tháng. Với sự chỉ đạo sát sao của BGH nhà trường cùng với chuyên môn vững vàng và hết lòng vì học sinh thân yêu của các thầy cô, các em học sinh lớp 1 đã bước vào chương trình mới với nhiều hiệu quả đáng khích lệ.
Chúc cho các thầy cô của  trường Tiểu học Dĩnh Kế luôn tự tin, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học để thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1./.